VNTRADE
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Đầu tư
  • Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường: 30 năm thầm lặng làm đẹp sách Nguyễn Nhật Ánh

Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường: 30 năm thầm lặng làm đẹp sách Nguyễn Nhật Ánh

Khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phát hành tập truyện Ngồi khóc trên cây, NXB Trẻ tổ chức cuộc thi “Nhìn hình minh họa đoán nội dung truyện”. Cuộc thi này xuất phát từ tranh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường minh họa cho truyện Nguyễn Nhật Ánh rất gần với nội dung và thân quen với bạn đọc.

Với truyện của Nguyễn Nhật Ánh khi in thành sách, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường chính là người làm đẹp thêm cho những tác phẩm của nhà văn chuyên viết cho thanh thiếu nhi. Ít ai biết, trong gần 30 năm, Đỗ Hoàng Tường đã bền bỉ với các cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh để đến hôm nay có thể khẳng định: sách Nguyễn Nhật Ánh đã gắn bó với tranh của Đỗ Hoàng Tường.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và họa sĩ Đỗ Hoàng Tường (phải) chuẩn bị ra sách mới

Chỉ còn lại một

Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường bắt đầu vẽ bìa, minh họa tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh từ năm 1985: tác phẩm Cú phạt đền . Trong 5 năm trở lại đây, Đỗ Hoàng Tường vẽ gần như toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh - mỗi năm trung bình nhà văn trình làng một cuốn sách mới, như: Đảo mộng mơ, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Ngồi khóc trên cây… Như vậy, nếu tính từ những bức tranh đầu tiên làm đẹp sách của Nguyễn Nhật Ánh đến nay, Đỗ Hoàng Tường đã gắn bó với nhà văn gốc Quảng Nam này gần 30 năm - con số thời gian đáng kính nể cho một tình bạn văn nghệ và cả công việc.

Tuy nhiên, trong hàng chục tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã viết cho thanh thiếu nhi, không phải chỉ một mình họa sĩ Đỗ Hoàng Tường vẽ bìa hay minh họa. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, có nhiều họa sĩ đã vẽ tranh làm đẹp các cuốn sách của ông, như: Nguyễn Trung, Điêu Quốc Việt, Hoàng Ngọc Biên… Nhưng cuối cùng chỉ có một mình Đỗ Hoàng Tường là vẽ lâu nhất và nhiều nhất các cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh.

Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, sinh năm 1960 cùng tỉnh Quảng Nam với Nguyễn Nhật Ánh. Anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 1984 và đến nay đã có rất nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Ngoài sáng tác tranh, Đỗ Hoàng Tường từng sống với nghề vẽ tranh minh họa trên các báo. Nhiều truyện của Nguyễn Nhật Ánh khi in trên một tờ báo dành cho tuổi mới lớn đều do Đỗ Hoàng Tường minh họa.

Khi Nguyễn Nhật Ánh viết bộ truyện dài tập Kính vạn hoa do NXB Kim Đồng ấn hành, Đỗ Hoàng Tường trở thành sự lựa chọn “số một” để nhà văn gửi gắm tác phẩm. Bởi, như Đỗ Hoàng Tường thừa nhận: “Do làm báo quen giờ giấc, nên bộ Kính vạn hoa lúc đầu in một tuần một tập, rồi sau nữa là một tháng một tập, anh Ánh đều giao tôi vẽ bìa và minh họa”.

Minh họa, có thể hiểu là dùng tranh để làm rõ thêm nội dung của truyện. Để vẽ bìa, minh họa cho các truyện của Nguyễn Nhật Ánh, hẳn nhiên Đỗ Hoàng Tường phải nắm rõ nội dung câu chuyện. Muốn làm tốt điều này, Đỗ Hoàng Tường phải là bạn đọc đầu tiên và đọc kỹ lưỡng các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.


Các cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh được Đỗ Hoàng Tường làm đẹp

Góp ý và bị… thuyết phục

Do đọc rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh trước khi vẽ bìa và minh họa, Đỗ Hoàng Tường có đủ lý lẽ góp ý với nhà văn về những mặt được và chưa được của cuốn sách. Họa sĩ cho biết, có những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, mình đọc và thấy rằng câu chuyện hơi dài, lẽ ra nên kết thúc ở đây là vừa. Nhưng sau đó nghĩ lại, họa sĩ cho rằng mình không phải đối tượng trong sách của Nguyễn Nhật Ánh, nên nhà văn kết thúc câu chuyện như thế nào đều có lý do riêng để sách của Nguyễn Nhật Ánh luôn được “bán chạy nhất” khi… chưa phát hành.

Mặc dù thừa nhận không phải là đối tượng đọc sách Nguyễn Nhật Ánh, song Đỗ Hoàng Tường luôn đọc say sưa, hóa thân vào tác phẩm để “minh họa” cái hồn cốt của câu chuyện mà nhà văn chuyển tải. Theo nhận định của nhiều người “nghiện” Nguyễn Nhật Ánh, thì tranh minh họa của Đỗ Hoàng Tường ngày càng mềm mại hơn theo thời gian thông qua các cuốn sách của nhà văn. Họa sĩ cho rằng: “Đã là họa sĩ ai cũng có cá tính thể hiện qua phong cách vẽ tranh. Lúc đầu tôi vẽ minh họa, vẽ bìa sách cho Nguyễn Nhật Ánh theo ý muốn của tôi. Lâu dần tôi bị tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh thuyết phục nên mình phải tự điều chỉnh”.

Theo Đỗ Hoàng Tường, truyện của Nguyễn Nhật Ánh càng ngày càng giàu chất thơ, do vậy bắt buộc anh phải vẽ mềm mại, nên thơ hơn. Cũng xin nói thêm, tranh sáng tác để triển lãm và được các nhà sưu tập tranh chú ý của Đỗ Hoàng Tường đa phần là tranh trừu tượng. Thiết nghĩ, tranh trừu tượng của anh và tranh minh họa cho truyện Nguyễn Nhật Ánh tưởng “đối lập” nhưng lại “thống nhất”, vì vẽ kiểu gì thì họa sĩ này đều khơi gợi sự tưởng tượng của người xem.

Có lẽ vì vậy nên họa sĩ Đỗ Hoàng Tường được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tin cậy và ngược lại, để hai người cùng nhau xuất hiện trên một cuốn sách mà bạn đọc tuổi teen luôn mong chờ? Thêm nữa, tranh của Đỗ Hoàng Tường sau khi làm nhiệm vụ in sách xong, còn được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dùng in trên các món quà lưu niệm khác - gọi là tác phẩm “nối dài” của ông!