VNTRADE
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Giáo dục
  • Mô hình tài chính giáo dục đại học trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Mô hình tài chính giáo dục đại học trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, các quốc gia đều tìm kiếm những giải pháp nhằm gia tăng vốn đầu tư và hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho giáo dục đại học. Bài viết giới thiệu 4 mô hình tài chính giáo dục đại học trên thế giới để từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Mô hình tài chính giáo dục đại học trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mô hình miễn phí hoặc học phí thấp

Mô hình tài chính giáo dục đại học (GDĐH) công lập miễn phí hoặc học phí thấp đóng vai trò chủ đạo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong mô hình này, Chính phủ đóng vai trò chủ yếu để phát triển GDĐH công lập và người học chỉ đóng một phần nhỏ học phí, khoảng 10% chi phí hoạt động của trường ĐH dành cho giảng dạy và quản lý, chưa tính đến chi phí nghiên cứu khoa học và hoạt động khác. Mô hình này áp dụng ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô trước đây hay Việt Nam. Giai đoạn năm 1950 -1960, Mỹ cũng áp dụng mô hình này để phát triển GDĐH đại chúng như phát triển hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng và các trường đại học công lập. Bên cạnh đó, một số quốc gia khu vực Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Pháp, Đức… cũng áp dụng mô hình này và có tên gọi chung là mô hình: “Học phí thấp hoặc miễn phí”.

Để áp dụng thành công mô hình này, các quốc gia cần có đủ năng lực tài chính đầu tư cho GDĐH. Điều này khiến Chính phủ các nước gặp những khó khăn và không thể tiếp tục áp dụng lâu dài, bởi vì chi phí cho một người học ĐH ngày càng tăng, thậm chí tăng nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế. Hơn nữa, nhu cầu được học ĐH của số đông sinh viên (SV) cũng ngày càng tăng nên các trường ĐH công lập phải đương đầu với những khoản tài trợ không đầy đủ từ Chính phủ. Điều này khiến khủng hoảng tài chính cục bộ trong GDĐH luôn có thể xảy ra.

Mô hình chi phí hoàn trả sau khi sinh viên tốt nghiệp

Khi mô hình “GDĐH công lập miễn phí hoặc phí thấp” bị phê phán cả về tính công bằng và hiệu quả thì nhiều nghiên cứu cho rằng, cần phải thay đổi phương thức trợ cấp cho các cơ sở đào tạo sang trợ cấp trực tiếp cho người học thông qua chương trình cho SV vay vốn để học ĐH. Việc SV được vay tiền học với lãi suất thấp cũng giúp làm tăng thu nhập bình quân đầu người gia đình họ. Ngày nay, các quốc gia đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ SV vay vốn học ĐH, mỗi chương trình lại hướng đến một trong các mục đích đặt ra. Quốc gia này thì có mục đích chỉ hướng tới đảm bảo công bằng xã hội, còn quốc gia kia thì lại hướng đến quy mô lớn hơn của hệ thống giáo dục.

 

Mô hình học phí cao kết hợp mở rộng các chính sách hỗ trợ

Mô hình này được thực hiện dựa trên nghiên cứu về các nguyên tắc thị trường trong chi phí GDĐH, SV và gia đình phải chịu các chi phí cho GDĐH. SV phải chi trả cho dịch vụ giáo dục vì:

Thứ nhất, những người hưởng lợi là những người phải trả tiền;

Thứ hai,
các nguồn lực kinh tế sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, những tài trợ lãng phí sẽ bị loại bỏ.

Sự tài trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho GDĐH thực chất là lấy tiền từ nguồn đóng thuế của người dân. Sẽ có một tỷ lệ lớn những SV cao đẳng và ĐH là con những gia đình nghèo khó, cần phải được tài trợ. Ngoài ra, SV theo học những ngành được Chính phủ đầu tư phát triển thì đóng mức học phí thấp hoặc miễn phí, còn những ngành xã hội có nhu cầu cao như: Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin, Kinh tế, Quản trị kinh doanh hay Luật thì phải đóng học phí ở mức cao. Ngược lại, những ngành Chính phủ cần ưu tiên, hoặc độ co dãn của cầu theo giá gần bằng không nhưng xã hội rất cần thì được trợ cấp. Khi chương trình này được áp dụng có nghĩa là, cả nguyên tắc thị trường và phi thị trường đều có thể phối hợp vận dụng để bổ sung nhau trong chi phí cho GDĐH. Đồng thời, trong cùng một lúc Chính phủ giải quyết được nhiều mục đích khác nhau phù hợp với nguyên tắc đa dạng và phức tạp của tài chính ĐH.

Mức học phí khác nhau còn được áp dụng với các cấp độ ĐH: chương trình sau ĐH thì cao hơn so với chương trình ĐH, các chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ học phí cao dần, lũy tiến so với bậc ĐH. Chương trình phân biệt cũng áp dụng với đối tượng người học các hệ học khác nhau, SV truyền thống học phí thấp hơn SV vừa học vừa làm, SV của những địa phương khác đến đóng học phí cao hơn SV bản địa. Ngoài ra, các chương trình thường cũng áp dụng phân biệt đối với SV đến từ quốc gia khác, SV nước ngoài phải đóng mức học phí cao hơn so với SV chính quy bản xứ. Australia đã làm theo cách này: những SV thỏa mãn các điều kiện tham gia chương trình tài trợ được tính mức học phí theo quy định của Chính phủ, còn các SV khác và SV nước ngoài phải đóng mức học phí cao hơn nhiều.

Mô hình mở rộng hệ thống giáo dục đại học tư thục

Hệ thống GDĐH ở hầu hết các quốc gia tồn tại song song các trường ĐH công lập và tư thục. Do nguồn NSNN dành cho trường công hầu như không được gia tăng đáng kể, nên xu hướng phổ biến là số SV đầu vào của hệ thống ĐH tư ngày càng tăng, còn số SV vào trường ĐH công có xu hướng tăng chậm hơn. Một trong những giải pháp hiệu quả nhằm thu hút SV vào học tại các trường ĐH tư là cho phép SV được vay để đi học và được xét cấp các loại học bổng.

Mô hình ĐH tư thục trên thế giới rất đa dạng nhưng chủ yếu được chia thành 2 loại hình cơ bản như sau:

Loại hình đại học tư thục phi lợi nhuận:

Đặc trưng cơ bản về mặt kinh tế, pháp lý và cấu trúc tổ chức của một đơn vị hoạt động “không vì lợi nhuận” là: (1) Không được chia lợi nhuận cho một ai; (2) Không có “chủ sở hữu” hay “nó sở hữu chính nó”, không có nhà đầu tư, có thể nói tài sản là thuộc “sở hữu công cộng”, nguồn vốn chủ yếu là từ cho tặng và học phí; và (3) Thường không được quản trị bởi một Hội đồng đại diện cho những nhóm có lợi ích liên quan. Không vì lợi nhuận cũng có nghĩa tài sản ở đây không thuộc Nhà nước mà cũng chẳng thuộc cá nhân nào, tức là không có chủ sở hữu và cũng không có cổ đông, vì vậy không có ai được chia lợi nhuận từ hoạt động của trường ĐH. Trong nền kinh tế thị trường, lập luận này nghe như vô lý nhưng loại hình ĐH này rất phổ biến trên thế giới đặc biệt là ở Mỹ, Nhật Bản.

Những ĐH tư phi lợi nhuận có Hội đồng quản trị để đề ra phương hướng phát triển chung của trường. Hội đồng này gồm những người thành đạt, có uy tín ở nhiều lĩnh vực khác, chứ không thuần túy là người có tiền góp vào trường. Các trường ĐH này có quỹ bảo trợ, tiền lãi từ đầu tư của quỹ, cộng với tiền đóng góp của bảo trợ viên dùng làm chi phí cho hoạt động của trường. Tuy nhiên, không vì lợi nhuận có nghĩa là đơn vị đó không được phép tạo ra lợi nhuận và thu nhập không bao giờ được vượt quá chi phí. Một tổ chức hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận” vẫn có thể được hoạt động có thu nhập như: nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Mô hình ĐH tư thục không vì lợi nhuận chiếm vị trí chi phối trong hệ thống ĐH ở Mỹ và Nhật Bản, có đến hơn 90% SV tư thục ở Mỹ và một tỷ lệ khá lớn ở Nhật Bản đang học ở các trường tư tổ chức theo loại hình phi lợi nhuận. Vào những năm 1980, ở Mỹ có khoảng 3.500 cơ sở đào tạo ĐH và cao đẳng, lượng trường công do chính quyền tiểu bang, quận, thành phố lập và quản lý chiếm khoảng 45% trong tổng số (không có ĐH công lập của Liên bang, mà chỉ có trường do chính quyền địa phương, các bang sáng lập và quản lý), ở đó SV chi trả một tỷ lệ cao nhất cho học phí là bằng 5-10% chi phí đơn vị. Bên cạnh đó, có tới 46% là trường của các tổ chức tư nhân hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, phần còn lại là trường của một chủ sở hữu hoạt động vì lợi nhuận. Học phí mà SV các trường ĐH tư thục phi lợi nhuận phải đóng góp là rất lớn nhưng cũng chỉ bằng khoảng 30% chi phí đơn vị.

Loại hình đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận:

Loại hình ĐH này được chia thành 3 nhóm khác biệt, theo mức độ điều tiết và mục đích hoạt động:

Một là, ĐH thuộc các công ty lớn: Mục đích của các ĐH dạng này là để đào tạo bồi dưỡng nhân lực cho chính công ty của mình và một phần cho xã hội. Họ sẽ nhận được lợi ích lớn hơn trong tương lai nhờ danh tiếng của tập đoàn, của nhà trường và khi SV đi làm thông qua việc tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho công ty.

Hai là, ĐH tư thục vì lợi nhuận một phần: Loại hình này phổ biến ở các nước châu Á nhưng có những ràng buộc rất chặt chẽ của Chính phủ như khống chế mức trần học phí để trường học không chạy theo mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Do vậy, các trường ĐH dạng này được thành lập nhưng quy mô không lớn và ít có uy tín trong xã hội.

Ba là, ĐH tư thục hoạt động hoàn toàn vì mục đích lợi nhuận: Đây thực sự là những công ty giáo dục như: Apollo Group Inc của Anh, Career Education Corp Inc của Mỹ. Đa số các ĐH tư thục vì lợi nhuận là loại hình doanh nghiệp có chủ sở hữu được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường với mục đích kinh doanh vì lợi nhuận.

Các trường ĐH hoạt động vì lợi nhuận ở Mỹ được Chính phủ khuyến khích thành lập nhưng chỉ chiếm khoảng 9% về mặt số lượng trường học và SV chiếm khoảng 2% trong tổng số. Hầu như không có một ĐH nào vì mục đích lợi nhuận mà phát triển có uy tín ở Mỹ, trừ những trường dạy nghề. Hệ thống giáo dục của Anh có 111 trường ĐH nhưng chỉ có một trường tư thục (ĐH Buckingham), ở Australia có khoảng 30 trường ĐH thì chỉ có 10% là trường tư thục với quy mô rất nhỏ. Mặc dù hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận nhưng các trường này cũng chủ yếu chú trọng vào việc giảng dạy một số ngành đang hút khách như: Ngoại ngữ, Luật, Kinh doanh và Công nghệ thông tin, ít đi sâu vào đào tạo các ngành nghiên cứu, khoa học công nghệ đòi hỏi máy móc kỹ thuật cao, cơ sở thí nghiệm hiện đại vì đầu tư như thế sẽ không thu hồi được vốn nhanh.

Trong khi đó, ở một số nước châu Á loại hình trường ĐH hoạt động trên cơ sở vì lợi nhuận lại chiếm phần lớn và còn có thêm cả loại hình “nửa lợi nhuận” hay có một mức lợi nhuận thích hợp (bởi vì mức học phí và lợi nhuận bị Chính phủ khống chế). Chính vì bị đặt dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ của Chính phủ, từ đánh giá kiểm định chất lượng và phân loại đến hệ thống phân chia lợi nhuận để đảm bảo phát triển đúng hướng, chứ không được tự do nhiều như các doanh nghiệp thuần túy, cho nên đa số các trường ĐH không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Thông qua tổng hợp nghiên cứu các mô hình tài chính GDĐH trên thế giới, tác giả đề xuất một số bài học kinh nghiệm có thể vận dụng tại Việt Nam:

Đa dạng hóa nguồn thu:

Kinh phí đầu tư cho GDĐH gồm các nguồn: NSNN, học phí lệ phí, tín dụng SV, các khoản quyên góp quà tặng, hoạt động kinh doanh của nhà trường… Đa dạng nguồn thu nhằm tăng thu nhập cho các trường ĐH, tuy nhiên khi thực hiện cần chú ý một số hạn chế sau:

Thứ nhất, học phí, lệ phí và tín dụng SV: Ở Việt Nam, chương trình tín dụng SV có tỷ lệ thu hồi vốn thấp do cơ hội làm việc ngoài giờ SV không nhiều, khả năng tìm kiếm việc và có mức lương hợp lý để trả nợ sau khi tốt nghiệp còn thấp... Vì vậy, khi thực hiện chương trình tín dụng SV, cần có một số giải pháp như: Chính phủ hỗ trợ đủ để các trường công lập hoạt động tốt và SV tự nguyện hoặc có khả năng được vay trong các chương trình tín dụng SV; Các trường ĐH tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng, phù hợp với ngành nghề và tăng cơ hội việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp.

Về chính sách học phí, kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, Nhà nước nên cho phép các trường ĐH điều chỉnh mức học phí trong khuôn khổ để đối phó với lạm phát trong nền kinh tế; Xây dựng các mức học phí khác nhau đối với các ngành nghề khác nhau; Kết hợp việc thu học phí cao với chính sách hỗ trợ đối với SV nghèo, có năng lực thực sự. Nhà nước luôn đảm bảo rằng mọi SV đã sẵn sàng và có năng lực đều có thể tiếp cận với chương trình GDĐH có chất lượng cao. Bên cạnh đó, các trường ĐH cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với các đối tượng cụ thể. Phần kinh phí dôi dư có thể chi viện trợ cho việc nâng cấp thiết bị, trường học hoặc trực tiếp giúp đỡ SV nghèo, khó khăn.

Thứ hai, tăng cường hoạt động kinh doanh trong trường học: Với khuynh hướng giảm dần NSNN cấp hàng năm và đa dạng hóa nguồn thu nên khuynh hướng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong trường ĐH cần được tăng cường; hoạt động kinh doanh góp phần mang lại lợi nhuận trong khuôn khổ hoạt động của nhà trường.

Thứ ba, tăng cường hoạt động từ thiện: Thông thường hoạt động này huy động được nguồn thu từ những người giàu, có học vấn cao, những doanh nghiệp lớn, những cựu SV thành đạt và việc hỗ trợ ưu đãi từ phía nhà nước. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy nguồn thu từ hoạt động từ thiện đóng vai trò không lớn và nên được sự hỗ trợ của Nhà nước về việc không đánh thuế từ nguồn thu hoạt động từ thiện.

Nhà nước nên cho phép các trường ĐH điều chỉnh mức học phí trong khuôn khổ để đối phó với lạm phát trong nền kinh tế; Xây dựng các mức học phí khác nhau đối với các ngành nghề khác nhau; Kết hợp việc thu học phí cao với chính sách hỗ trợ đối với SV nghèo, có năng lực thực sự.

 

Thứ tư, phát triển nguồn tài trợ công để có một hệ thống GDĐH công lập mạnh: Trong hệ thống GDĐH công lập, vai trò của Chính phủ là then chốt nhưng không có nghĩa là bao cấp, quản lý cứng nhắc mà Chính phủ có trách nhiệm đầu tư về tài chính, về tầm chiến lược, định hướng hoạt động, kiểm soát chất lượng, chứ không thể đứng ngoài cuộc.

Trong xu hướng xã hội hóa giáo dục các nước trên thế giới đều tồn tại hệ thống trường ĐH công lập mạnh gắn liền với hoạt động các trường tư thục; Điều này xuất phát từ những lý do sau: (1) Xây dựng một hệ thống trường ĐH công lập đủ mạnh để đảm bảo tính độc lập của hệ thống giáo dục; (2) Một hệ thống trường ĐH công lập mạnh mới thực hiện nhiệm vụ đảm bảo công bằng cho mọi người dân có khả năng học tập mà không phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình; (3) Một hệ thống trường ĐH công lập mạnh mới đảm bảo tính ổn định của cả hệ thống GDĐH; (4) Một hệ thống trường ĐH công lập mạnh mới ổn định chất lượng của hệ thống GDĐH.

Phân bổ và kiểm soát hiệu quả nguồn vốn được đầu tư:

Kinh nghiệm các nước cho thấy việc phân bổ tài chính cho GDĐH nên chú ý các hoạt động chính của trường, ví dụ phần kinh phí dành cho hoạt động giảng dạy, hoạt động thường xuyên nên đóng vai trò cơ bản nhất (chiếm tỷ lệ khoảng 60-70% tổng kinh phí); Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học khoảng dưới 30%. Cơ chế phân bổ kinh phí cho hoạt động giảng dạy các trường ĐH nên áp dụng linh hoạt theo xu hướng đổi mới, có cạnh tranh để tăng cường hiệu quả, tạo điều kiện để nhà trường chủ động trong các hoạt động và cơ hội tiếp cận GDĐH cho các đối tượng khác nhau. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học nên được phân bổ trên cơ sở có cạnh tranh.

Bên cạnh việc phân bổ hợp lý còn kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát theo hướng sử dụng có hiệu quả kinh phí trong GDĐH. Các công cụ được sử dụng để giám sát, tăng tính chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH và quản lý tài chính là: (1) Thông qua kiểm toán độc lập bên ngoài đánh giá sổ sách kế toán các trường ĐH và báo cáo hàng năm về các hoạt động kiểm toán nội bộ. (2) Thông qua sử dụng dịch vụ kiểm toán nhà nước để đánh giá bất kỳ hoạt động nào đó của nhà trường. (3) Thông qua cơ chế và quá trình xây dựng để theo dõi, đánh giá chất lượng giảng dạy. (4) Thông qua việc thực hiện yêu cầu các trường xây dựng các kế hoạch chiến lược để trình cơ quản chủ quản các cấp cấp kinh phí. (5) Lãnh đạo nhà trường nên có các thành viên bên ngoài, những người am hiểu về quản lý tài chính và có thể tổ chức, sắp xếp phù hợp cho kiểm toán nội bộ.

Tăng cường quyền tự chủ tài chính các trường ĐH công lập:

Tự chủ cho các trường ĐH được nhiều nhà nghiên cứu chú ý đến, nhưng vấn đề là tự chủ đến đâu? Tự chủ lĩnh vực gì? Một số không đồng ý quan điểm tự chủ bởi vì viện trợ kinh tế từ Chính phủ sẽ bị giảm sút. Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, tự chủ trong quản lý tài chính cần tập trung nhiều các hoạt động sau: (1) Quản lý kinh phí của nhà trường; (2) Thẩm định các dự án tăng cường thu nhập; (3) Tự chủ trong xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị giảng dạy; (4) Trường ĐH được phép vay kinh phí; (5) Được phép xây dựng mức học phí theo khung của Nhà nước.
___________________

Tài liệu tham khảo:

1. Bruce Johnstone (1998), The financing and management of higher education, (Tài chính và quản lý giáo dục bậc cao) ;

2. Lê Văn Hào (2008), Mô hình phát triển tài chính ĐH, Tạp chí Tia sáng số ngày 04/9/2008 ;

3. Phạm Đức Chính (2011), Công bằng và hiệu quả trong chi tiêu công giáo dục Việt Nam, ĐH Quốc gia TP. HCM;

4. Phạm Phụ (2007), Tài chính cho ĐH Việt Nam hội nhập, Tạp chí ĐHQG TP. HCM, số 98/2007;

5. Vương Thanh Hương (2008), Quản lý Tài chính giáo dục trên thế giới, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.