VNTRADE
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Sức khỏe
  • Cảnh báo tác hại của chứng chảy máu mũi

Cảnh báo tác hại của chứng chảy máu mũi

Thỉnh thoảng hoặc đột ngột chảy máu mũi là một tình trạng cơ thể bình thường nhưng chảy máu mũi liên tục, kéo dài thì đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh nguy hiểm.

Cảnh báo tác hại của chứng chảy máu mũi

Chảy máu mũi (còn gọi là chảy máu cam) là hiện tượng y tế máu chảy ra từ trong mũi, có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào tình trạng của bệnh. Chảy máu mũi là một hiện tượng thông thường, thỉnh thoảng được thấy ở trẻ em từ 2 – 10 tuổi, phụ nữ mang thai và người già. Hiện tượng chảy máu mũi thường dừng hẳn hoặc kết thúc ngay sau khi xử lý và nghỉ ngơi ngay tại nhà mà không cần đến sự can thiệp của các cơ sở y tế.

Trong một số trường hợp phức tạp, chứng chảy máu mũi là nghiêm trọng khi lượng máu từ mũi chảy ra với số lượng nhiều, kéo dài liên tục từ 20 phút trở lên. Trong giai đoạn nguy hiểm này cần phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để cầm máu và điều trị. Chứng chảy máu mũi thường xuyên cũng là dấu hiệu cảnh báo các loại bệnh nguy hiểm mà bạn cần để tâm.

Mức độ nguy hiểm của chứng chảy máu mũi

Chảy máu mũi vốn được xem là một hiện tượng thông thường và chỉ cần ngửa cổ, nằm nghỉ một chút là ổn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Phúc, BV Xanh Pôn, cần phải theo dõi khi bị chảy máu mũi vì rất có thể, đó là những dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm.

Bác sĩ Phúc cho biết, trước đây có một bệnh nhân ở Nghệ An bị chảy máu mũi 1 bên mũi nhưng khi thử bịt bên mũi không chảy máu thì thấy rất khó thở. Đi khám mới phát hiện có một khối u ở cuốn mũi. Nhờ phát hiện sớm mà bệnh nhân đã được can thiệp kịp thời.

Thông thường, bị chảy máu mũi là do các mao mạch ở cuốn mũi không bền, bị vỡ gây chảy máu. Cũng có thể là do chấn thương nhỏ (lấy tay ngoáy mũi) hoặc chấn thương mạnh va đập trực tiếp vào mũi (tai nạn, ngã...), do viêm đường hô hấp trên, do thời tiết quá khô…

Nếu chảy máu mũi do giảm sức bền thành mạch thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở lứa tuổi từ 20 trở lên mà bị chảy máu mũi, ngoài những nguyên nhân kể trên phải nghĩ đến một số dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm khác.

Hơn nữa, cũng phải căn cứ vào tần số chảy máu, hay bị chảy máu một bên mũi hay hai bên mũi… để xác định tính chất nguy hiểm của bệnh. Nếu thỉnh thoảng mới bị chảy máu mũi, chảy đều cả hai bên mũi thì không mấy đáng ngại.

Ngược lại, chỉ bị chảy máu mũi ở một bên mũi, kèm theo triệu chứng nhức đầu ở cùng phía với mũi bị chảy máu thì không thể coi thường. Rất có thể dó là dấu hiệu của dị tật trong mũi; do ung thư vòm họng; do các khối u mũi: Polip, ung thư cuốn mũi...; do các bệnh về máu (bệnh bạch cầu, bệnh tiểu cầu); do rối loạn các yếu tố đông máu… rất nguy hiểm.

Khi bị chảy máu mũi, cần phải dùng ngón ta ấn chặt vào bên cánh mũi có ra máu trong vòng 10 phút và nghiêng đầu về phía trước. Cũng có thể dùng bông, gạc để cầm máu.

Bình thường, máu mũi chỉ chảy một lúc, số lượng không nhiều, còn nếu đã có những tác động mà máu không ngừng chảy, chảy nhiều máu thì tốt nhất gọi cho bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xác định nguyên nhân gây chảy máu.

Nhìn chung, khi bị chảy máu lâu, khó cầm máu, chỉ bị ở một bên mũi cố định kèm theo nhức đầu phía bên mũi bị chảy máu, hay chảy máu mũi lặp lại… thì người bệnh nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân, tránh để lại những biến chứng sau này.

Nếu đã từng bị chảy máu mũi, hãy tăng cường bổ sung vitamin C theo đợt cho cơ thể. Ở trẻ nhỏ từ 8 – 9 tuổi, ngày uống từ 2 – 4 viên (1 viên = 1mg) trong vòng từ 6 – 7 ngày, uống nhiều nước. Người lớn trên 20 tuổi, uống bổ sung vitamin C từ 4 – 6 viên/ngày kéo dài từ 8 – 10 ngày (2 tháng uống một đợt). Còn nếu uống hàng tháng chỉ uống kéo dài từ 5 – 6 ngày. Còn uống liều cao 10 viên chỉ nên uống trong 5 ngày.